-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Báo Lao Động: Giáo dục cho con - nên bắt đầu từ đâu?
Ngày 01/03/2022
Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, cha mẹ đóng vai trò quyết định trong việc nuôi dưỡng tâm hồn, định hình nhân cách và phát triển trí tuệ của trẻ trong những năm đầu đời. Định hướng của cha mẹ cũng góp phần then chốt giúp trẻ phát huy được hết năng lực của bản thân và phát triển tốt nhất trong những năm sau này. Song, trên thực tế, hiểu được con, lựa chọn được cho con một hướng đi phù hợp lại vô cùng khó khăn và không phải cha mẹ nào cũng làm được.
Giáo dục - không chỉ đơn thuần là dạy học
Vậy làm thế nào để thấu hiểu được con? Làm thế nào để hướng con đến một “Hệ sinh thái văn hóa toàn diện cho sự phát triển của trẻ”? Định hướng giáo dục trẻ từ độ tuổi nào? Trẻ học ngoại ngữ ở độ tuổi nào là tốt nhất? Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, khi trẻ học tiếng Anh thì có nhất thiết phải học đúng ngữ điệu bản xứ hay chỉ cần nói cho mọi người có thể cùng hiểu?... Rất nhiều bậc cha mẹ trẻ hiện nay đang lúng túng trước những vấn đề tương tự và chưa biết định hướng cho con mình như thế nào cho đúng.
Trong buổi tọa đàm “Định hướng giáo dục cho con: Nên bắt đầu từ đâu” do Cty Cổ phần Mỹ thuật và Truyền thông (Art Design & Communication - ADC, Cty thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam) tổ chức mới đây, ông Robert Gibb - GĐ Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Shelton Hà Nội cho biết, có nhiều nghiên cứu cho rằng, trẻ tiếp thu những kiến thức ngay từ những tháng đầu đời. Cho dù, những kiến thức ấy có thể không nhớ được hết, nhưng quá trình tiếp thu ấy sẽ tạo thành một đường đi (rãnh tư duy) học tập. Hay nói cách khác, quá trình học tập như một miếng bọt biển, nó cứ thấm dần, thấm dần những điều trẻ nhìn thấy, cảm nhận... Vì thế, theo ông Robert Gibb, việc giáo dục trẻ ở nhà, những năm tháng đầu đời, không nhất thiết là các bậc phụ huynh phải giảng giải, phân tích, dạy kiến thức cho con... mà chỉ đơn giản là dành thời gian cho con, chơi cùng con, đọc sách cùng con, thậm chí nói chuyện với con - ngay cả khi chúng chưa biết nói.
Đồng tình với quan điểm trên, MC Minh Trang, với kinh nghiệm của một người mẹ trẻ có 3 con nhỏ, cho rằng, việc dành thời gian chơi và đọc sách với con là vô cùng quan trọng trong việc định hướng học tập của trẻ sau này. Chính vì thế, Minh Trang luôn cập nhật những thông tin hữu ích để giúp con được phát triển một cách toàn diện nhất. Chị cũng là tác giả của dự án “Mầm nhỏ” - giúp các bậc cha mẹ định hướng giáo dục cho con thông qua các cuốn sách tranh với những câu chuyện nho nhỏ, xinh xinh và vô cùng sống động từ thực tế.
Còn ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc Cty ADC cho biết, cũng từ những băn khoăn này của các bậc phụ huynh, ADC đã cho ra mắt thương hiệu ADCBookiz - dòng sách thiếu nhi, giúp trẻ phát triển toàn diện 4 nhóm kỹ năng cần thiết đầu đời: Ngôn ngữ & Nhận thức; Tâm hồn & tình cảm; Thể chất; Phát triển kỹ năng mềm. ADCBookiz gồm 5 bộ sách: Bộ sách “Phát triển trí não sớm cho trẻ từ 0 - 2 tuổi; Bộ “Phát triển Trí thông minh Toán học cho trẻ 2 - 5 tuổi”; Bộ sách “Phát triển tư duy logic và sáng tạo”; Bộ truyện tranh song ngữ Trí thông minh ngôn ngữ - Learning Through Reading; Bộ truyện tranh Bác sĩ Kính Coong - series những câu chuyện về sức khoẻ của bác sĩ Kính Coong. “Đây là những bộ sách giúp phụ huynh dạy và học cùng con một cách hữu hiệu nhất” - ông Phạm Văn Thắng bổ sung.
Tiếng Anh - dạy và học như thế nào cho chuẩn?
Trong thế giới phẳng hiện nay, vấn đề học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh - thứ tiếng giao tiếp phổ thông nhất - được các bậc phụ huynh vô cùng quan tâm. Bởi trên thực tế, ngữ điệu và cách phát âm là vô cùng quan trọng trong việc chuyển tải thông tin. Phát âm như thế nào cho chuẩn (Anh - Anh hay Anh - Mỹ) luôn là mối băn khoăn của các bậc cha mẹ muốn cho con làm quen với tiếng Anh ngay từ nhỏ. Một phụ huynh chia sẻ: “Tôi có thể làm việc, giao tiếp bằng tiếng Anh với những người khác trong nước một cách bình thường. Nhưng khi tham gia khóa học ở Mỹ 6 tháng, những ngày đầu tôi vô cùng hoang mang và áp lực, chỉ muốn bỏ về ngay bởi người ta nói tôi không hiểu hết và ngược lại. Vì thế, giờ tôi không biết có nên tự dạy con ở nhà trước hay không? Dạy thì theo giáo trình nào? Cách phát âm ra làm sao? Trẻ bao nhiêu tuổi thì có thể học ngôn ngữ thứ hai là phù hợp?
Trước băn khoăn này, MC Minh Trang cho biết, kinh nghiệm của chị: Hãy chọn trên Youtube những bộ phim hoạt hình phù hợp cho con xem, như thế, bé sẽ được tiếp thu một cách vô thức những từ, ngữ được nảy sinh trong các tình huống khác nhau và được lặp đi lặp lại nhiều lần. Còn ông Robert cho rằng, các bậc phụ huynh đừng quá lo ngại về cách phát âm của trẻ bởi ngay cả người Anh và người Mỹ, đôi khi cũng gặp vấn đề trong câu chuyện với nhau. “Các vị cũng đừng băn khoăn về việc cho trẻ học ngoại ngữ ở lứa tuổi nào thì phù hợp. Cứ cho con tiếp xúc với thứ ngôn ngữ mà mình muốn định hướng cho con ngay từ khi con chưa biết chữ. Đừng sợ trẻ nhầm lẫn các ngôn ngữ với nhau. Hãy tưởng tượng các khoang lưu trữ kiến thức trong não của trẻ vẫn còn rất rộng. Ta “đặt” cái gì vào đấy cũng được, cũng vừa. Chỉ có điều, những thứ ta định “đặt” vào phải được lựa chọn và định hướng thật đúng đắn...” - ông Robert bổ sung.
Cũng tại buổi tọa đàm này, thầy giáo Đặng Minh Tuấn, người sáng lập Dự án UberMath - học toán bằng tiếng Anh đã chia sẻ những kinh nghiệm về việc định hướng cho con có một tư duy toán học thật rõ ràng và phù hợp với đương đại.
Bài viết trên Báo Lao Động Online tại đây.